Về bức phù điêu cỗ xe mặt trời Surya

Trần Phan

Đây là một bức phù điêu bằng đá đặt ở sân trước của Bảo tàng Bình Định. Theo bảng ghi chú, phù điêu là hiện vật thuộc tháp Bánh ít, tức tháp Yang Mtian hay còn gọi là tháp Bạc. Do không tìm được các bài khảo cứu đề cập đến bức phù điêu này nên tui đành đưa ra vài ý theo kiểu phỏng đoán. Cái hay của việc không tìm được tài liệu, và với một dân tay ngang, là tự mình liên hệ và xâu chuỗi các vấn đề cũng như các sự kiện khác nhau mà không phải mang sẵn thiên kiến của người đi trước. Trúng ăn trật bỏ làm gì căng, hehe.

Trước hết, việc dễ nhận thấy thì đây là cỗ xe của thần Surya, tức thần Mặt trời.

Cũng cần nhắc lại rằng Surya là một trong tam vị thần chủ, tức ba vị thần tối cao, trong Rig Veda. Đó là Indra (thần mưa, thần sấm sét), thần Surya (thần mặt trời) và Agni (thần lửa). Ở đây mở ngoặc nói thêm, nhiều người sẽ băn khoăn rằng trimurti của Ấn giáo là các Đấng Brahma, Vishnu và Shiva (tương ứng với sáng tạo, bảo tồn và hủy diệt [để tái sinh]) chứ sao lại là Indra, Surya và Agni? Xin thưa rằng Ấn giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất của nhân loại và phát triển qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó thời kỳ Vệ-đà (tên liên quan đến thánh điển Rig Veda) là thời kỳ sớm, lúc ấy các thần Indra, Surya và Agni là các vị thần tối cao. Về sau, thời kỳ hậu Vệ-đà, vị trí các thần nói trên ngày càng sụt giảm trong hệ thống tín ngưỡng, dần dần trở nên thứ yếu (các vị thần hộ thế phương thiên trong hệ thống Navagarha) và ngôi tối cao được thay thế bởi các Đấng Brahma, Vishnu và Shiva như ta vẫn thường thấy trong tín ngưỡng Ấn giáo sau này.

Surya được mô tả là vị thần mình đỏ, râu tóc màu vàng và phát ra ánh sáng chói lọi. Thần thức dậy sau mỗi đêm, cuốn tấm màn tối vứt xuống biển và leo lên cỗ xe mặt trời do nàng Usa (nữ thần Rạng đông) dọn sẵn để bắt đầu hành trình ban phát ánh sáng cho mọi sinh linh.

Hình ảnh rõ nhất trong phù điêu là chiếc bánh xe mặt trời. Bánh xe có 16 nan/căm, tượng trưng cho các tia sáng cũng như các thời khắc trong ngày. So với bánh xe tại đền thờ thần Mặt trời Konark nổi tiếng được xây dựng vào thế kỷ XIII ở phía Đông của Ấn Độ có 8 nan chính và 8 nan phụ thì phù điêu tháp Bánh ít 16 nan được tạo tác gần như giống nhau. Nói thêm là bánh xe mặt trời ở đền Konark có 8 nan chính chia một ngày thành 8 phần, mỗi phần tương ứng với 3 giờ. Hãy tưởng tượng rằng bánh xe lăn đúng một vòng thì trọn một ngày đêm.

Trên cỗ xe chở những những mặt trời nhỏ (?), tổng cộng có 28 mặt trời như thế, tương ứng với 28 ngày của một tháng. Lưu ý ở đây là lịch cổ Ấn Độ dựa theo Mặt Trăng nên một tháng sẽ có 28 ngày, tức 7 x 4. Ở đây con số 7 cũng là một điểm cần nói, đó là một con số thần thánh xuất hiện rất nhiều trong kinh văn và thần thoại Ấn giáo. Bức phù điêu trên chỉ còn lại một phần, nếu nguyên vẹn có lẽ chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng cỗ xe của thần Surya do 7 con ngựa kéo. Vì sao lại là 7 thì tui không biết, có người cho rằng 7 thần mã này tương ứng với 7 ngày trong tuần nhưng tui thấy không chắc lắm, vì số 7 xuất hiện trong rất nhiều sự kiện và hình tượng trong Rig Veda cũng như trong các sử thi và thần tích sau này chứ không đơn thuần về mặt thời gian.

Người ngồi trước xe không nhận rõ là ai, có thể là thần đánh xe Aruna nhưng cũng có thể chính là thần Surya, do vật cầm ở tay tuy không nhìn rõ nhưng có nét rất giống đóa hoa sen, tức hình tượng thường thấy trong các tạo tác thần Surya của Ấn giáo nói chung và tín ngưỡng Champa nói riêng.

Liên quan đến thần Surya, thần thoại Ấn Độ có kể câu chuyện về thần Mặt trời là cha của Manu, tức thủy tổ của loài người. Có dịp sẽ trình bày sau.

Vài dòng quều quào, hy vọng cũng như các lần trước là được bà con chiếu cố chỉ điểm thêm.

Có thể là hình ảnh về ngoài trời

20/4/2022

Comment