Trái đất: xưa và nay

Trần Phan

#howmuchhaveyouchangedchallenge

Hiện đang có trend so sánh ảnh cũ và thời hiện tại. Nhân dịp này tui post hình ảnh về sự phân bố các lục địa của trái đất chúng ta cách đây 500 triệu năm so với bây giờ.

Quá khác biệt đúng không? Cách đây 500 triệu năm, tức vào thời kỳ mở màn của đại cổ sinh (kỷ Cambri), các lục địa như các bạn thấy trong ảnh bên trái là kết quả của sự phân tách từ một siêu lục địa có tên Pannotia từng tồn tại trong đại Nguyên sinh. Trong đó, Gondwana là siêu lục địa lớn nhất.

Có một điều không phải ai cũng biết là tại thời điểm nói trên, ở Nam Cực và Bắc Cực sóng vỗ miên man chứ không băng giá như bây giờ. Khí hậu rất ấm áp. Mực nước biển cao khoảng 200 mét so với ngày nay. Biển lúc đó tràn ngập các sinh vật nguyên sinh và động vật không xương sống ở nước. Với sự phát sinh mạnh mẽ các chủng loài sinh vật, người ta gọi đó là thời kỳ bùng nổ Cambri.

Tui không hiểu có một lý do nào đó trong quá trình kiến tạo lục địa mà hầu hết các siêu lục địa đều tập trung phần lớn ở Nam Cực. Ví dụ siêu lục địa Euramerica trong kỷ Silur, Pangaea trong kỷ Permi, hay tái hình thành Gondwana trong kỷ Jura. Nói thế cũng là cách để các bạn hình dung châu Nam Cực băng giá bây giờ trong những ngày xa xưa ấy từng là những cách rừng bạt ngàn, bọn khủng long dạo chơi đâu đó, thậm chí động vật có vú nguyên thủy cũng có thể từng yêu đương chịch bọp ở đây.

Rồi tất cả biến mất. Như một cái phủi tay của tiến hóa. 5 cuộc đại tuyệt chủng tính từ kỷ Cambri biến trái đất chúng ta là nơi hình thành sự sống nhưng cũng là lò sát sinh không hơn không kém.

Thật khó để hình dung hàng triệu loài đang tồn tại trên hành tinh này chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chưa đầy 1% so với tổng số loài đã từng hiện diện.

Nếu xem lịch sử sự sống là 24 giờ đồng hồ thì con người xuất hiện trong tiếng tích tắc của những giây cuối cùng. Chả thấm vào đâu so với cả một quá trình kiến tạo vĩ đại.

Còn con Kinh thì lại càng không có tuổi.

traidat

14/11/2020

Comment