Đãi gạo…

  • Trần Phan

Thế hệ 8x nhất là 8x đời cuối chắc không mấy ai biết đến đãi gạo, một trải nghiệm cực kỳ tao nhã trong văn hóa ẩm thực và đời sống tinh thần của đông đảo cần lao đêm trước đổi mới. Còn đêm trước đổi mới là gì thì mời gúc.

Trước khi nói đãi gạo bạn Phan muốn các bác hiểu đôi chút về gạo nhà nước. Gạo gảo luôn phải đãi mới ăn được, gạo và đãi gạo có thể xem như ví dụ kinh điển của một trong sáu cặp phạm trù cơ bản của phép biện chứng. Đó là một loại gạo không giống bất kỳ loại nào mà các bác có thể hình dung, nhận theo tem phiếu, màu như cháo lòng, rất nhiều cám, thóc, đất, sạn, thỉnh thoàng có đá và luôn luôn bốc mùi mốc mốc khai khai. Kể thế các bác đừng cười, cả một thiên đường đấy, đói thì không cười được.

Để gạo có thể ăn được có cả một quy trình. Đầu tiên đem phơi, sau giần cho bớt cám, sau nữa lưng ra nhặt thóc. He he có hôm nhặt thóc bạn nhặt được cả một cái răng của ai đó, nhã phết.

Đến đây coi như tạm ổn, gạo được đem cất. Lúc này gạo tuy đã bớt hôi, ít cám và lúa, nhưng còn rất nhiều đất và sạn. Muốn ăn phải đãi.

Dụng cụ đãi gạo rất đa dạng, có nơi dùng rổ rá, riêng quê bạn Phan người ta thường lấy chính cái nắp vung xoong nấu cơm để đãi. Một thau nước đầy, đổ chừng một lon sữa bò gạo vào nắp vung cho một lần đãi. Nhúng ngập nắp vung đựng gạo vào thau nước, lắc thật kỹ cho đá, cát, sạn lắng xuống đáy. Cứ vớt ít nước rồi nghiêng từ từ đổ để gạo theo ra, sạn cát ở lại, cứ thế làm cho đến hết. Nói nghe có vẻ đơn giản nhưng rất công phu, như thiền trong Phật giáo, phải thật chuyên tâm, bác nào làm ầm ầm cho xong chuyện thế nào khi ăn cũng phải nhè sạn ra và tất nhiên là nát đòn với các bô lão.

Trở lại với gạo nhà nước, có bác sẽ hỏi lúa, đất, sạn, đá đâu trong gạo mà lắm thế? Hỏi thế là chơi khó nhau, hỏi bạn Phan thì bạn Phan hỏi ai, he he. Chỉ nhớ có lần nói chuyện với một tay răng vẩu lái xe tải 44Axxxx (44 là biển số Nghĩa Bình hồi đó, còn A là ký hiệu xe nhà nước), tay ấy bảo thời thởi đói quá, gạo phân phối qua nhiều khâu, nhiều trạm, ai cũng tìm cách véo một ít. Qua mỗi công đoạn, người ta tìm cách lấy bớt rồi trộn thêm một cái gì đó vào cho đủ cân. Khi ít đất, khi ít đá, khi ít trấu, thậm chí có anh lười trộn đem ngâm mẹ nó vào nước cho nhanh. Thì nghe kể thế, thực hư thế nào thì chịu.

Nhớ lại thấy vui vui. Riêng cái răng lẫn trong gạo đến bây giờ vẫn là một nỗi ám ảnh.

5 thoughts on “Đãi gạo…

  1. Hà Linh

    Huyền thoại hóa chuyện đãi gạo nên bịa ra cái nắp vung ! Không biết có đãi gạo bữa nào hay đứng từ xa nhìn bé hàng xóm nên không tường tận.
    Gạo cho vài cái ra tức là nan đan dày, vót đều mịn như là sợi bún ấy ông quan liêu nhé.
    Cho vào cái vung như ông tả có mà đãi cả ngày
    Cho gạo vào rá, cho vào chậu nước nhiều, rồi lựa chiều nâng rá lên dốc gạo nhẹ chảy xuống phần dưới rá, đá sạn sẽ đọng lại ở trên, hớt dần gạo ra…sau rốt thì tiến đưa đá sạn về đúng chỗ của nó.
    Bực mình cái thời thiên hạ hại nhau vậy đó..Hồi đó mơ nấu cơm không phải đãi là sướng lắm rồi.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Bạn Phan không bịa đâu chị Hà Linh. Có thể mỗi vùng mỗi khác, ngày xưa em toàn đãi bằng nắp vung, nhất là các cung có các bo viền để dễ giữ lại sạn.

      Thích

      1. Hà Linh

        Ờ lần đầu tiên chị nghe đãi gạo bằng vung!
        Nhiều khi chị nhớ đến hàm rang va đánh két vào viên sạn trong khi nhai cơm mà vẫn rờn rợn hhihihi

        Thích

Comment