Trần Phan
Ba nói với con gái rằng ba đã từng nghĩ có thể Sáng Thế ký đã cố tình giấu đi một trong những điều bí ẩn nhất của vũ trụ này, đó là con số Pi. Một con số không lớn mà lại dài đến vô tận.
Để rồi những bộ óc thông thái nhất của loài người đã đi tìm nó trong suốt cả dặm dài của nền văn minh nhân loại. Dấu vết của các cuộc khai quật số Pi từ sự khỏa lấp của Thiên Chúa có thể thấy từ Á sang Âu.
Sách Cửu chương toán thuật thời Đông Hán được viết hàng nghìn năm trước có ghi lại phép tính về diện tích những thửa ruộng hình tròn, trong đó họ đã lờ mờ nhận ra một con số kỳ lạ. Nhưng do bị giới hạn bởi cái trần văn minh thời ấy, các nhà đo đạc đã ước lượng nó bằng 3.
Và ở đâu đó trên bờ Địa Trung Hải cách đây hơn hai nghìn năm trước, một thiên tài có tên Archimedes có lẽ là người đặt những bước đầu tiên trong cuộc truy lùng số Pi hắt lại từ cuộc tạo dựng của Đấng Sáng Tạo. Bằng phép xấp xỉ một đường tròn thành một hình đa giác đều nội tiếp với số cạnh lớn dần, nghe nói ông đã dừng lại ở số cạnh là 96, và ông cho rằng Pi nằm đâu đó giữa 3.1408 và 3.1429. Lạy ông Archimedes, mong ông trên trời có linh thiêng thì cũng đừng buồn khi duyệt kinh phí để xây những tượng đài lớn nhất trên thế giới này người ta chưa bao giờ nghĩ đến ông cả, dù cả nhân loại này chịu ơn ông.
Và nếu như được xuất lộ ban đầu bởi hình học thì giờ đây hầu như có thể thấy bóng dáng của số Pi ở bất kỳ thứ gì mà Thiên Chúa đã kỳ công sáng tạo. Bởi mới nói chẳng ai có thể thấy hết số Pi ở đâu, tùy vào mỗi người mà thấy số Pi của riêng mình, có người nhìn thấy Pi ở hình tròn, có người thấy ở góc lượng giác, có người thấy nó ở các tia vũ trụ, có người thấy nó ở quỹ đạo nguyên tử, góc liên kết hóa học, có người thấy nó ở bốn mùa xuân hạ thu đông, ở một tiếng đàn, một ánh mắt, ở con tim, bông hoa hay thậm chí là một chiếc lá,…
Quay lại với cái ba đã từng nghĩ, có lẽ Thiên Chúa đã tạo ra số Pi trước rồi mới tạo ra toàn bộ thế giới này. Số Pi có trước để tạo quy cách cho thế giới có sau. Một người bạn của ba từng viết trên facebook rằng không ai có thể hình dung thế giới sẽ như thế nào nếu lúc Sáng Thế, Thượng Đế lại chọn một số Pi khác.
Ba đặt tên ở nhà của con gái mình là Pi, mà đôi lúc con thấy ngại khi ba mẹ gọi bằng cái tên ấy trước mặt bạn bè. Không sao con ạ, không phải ngẫu nhiên mà ba đặt như thế đâu, mà bởi ông bà nói sinh con rồi mới sinh cha. Tức Pi có trước rồi Pa có sau.
“Ngày π” lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 14/3/1988, các nhà toán học (những người mà ba luôn hâm mộ) đã lấy ngày này hàng năm làm ngày hội.
Riêng ba sẽ gọi đó là ngày của con gái 🙂