Linh tinh sách, phim, và Nhà tù Shawshank

Trần Phan

Vậy là hết tuần đọc sách rồi nhỉ? Ở mình hình như người ta đọc sách theo mùa. Không biết những người hô hào đọc sách hôm nào đã đọc thêm được cái gì chưa hay cứ vẫn vậy để rồi đến dịp này năm sau lại bảo những người trẻ hơn rằng đọc sách đi, hay lắm.

Hôm rồi tui có một cái post liên quan đến ngày đọc sách, ảnh minh họa tui cố lấy từ bộ phim The Reader được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Bernhard Schlink do bóng hồng Titanic thủ vai chính. Tiểu thuyết buồn, phim càng buồn hơn. Chính Hanna Schmitz trong The Reader đã đưa Kate Winslet bước lên đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chứ không phải là tiểu thư Rose trong Titanic. Tui thích Lust, Caution (Sắc, Giới) và The Reader (Người đọc sách) không phải bởi những cảnh nóng mãnh liệt (tất nhiên là cũng thích, hehe) mà ở cái cách nó phá vỡ những cách nghĩ, phá luôn những cái gì ta cho là điều lệ hay quy tắc xã hội. Tất nhiên, như đã nói, những chuyện tình như thế bao giờ cũng buồn.

Hình ảnh hai người khỏa thân đọc sách cho nhau nghe trong bồn tắm ấy khiến nhiều người nghĩ tui cà chớn nhưng cũng có nhiều người nhận ra. À, liên quan đến sách lại có một chi tiết khiến tui cũng thấy thú vị trong Reader là những cuốn sách mà Berg đọc cho Hanna nghe trong mối tình day dứt ấy đều là những cuốn kinh điển và các tác gia mà tui yêu thích: Người đàn bà và con chó nhỏ của Tchekhov, Ulysses của Homer hay Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy,…

Tui cũng muốn kể cho các bạn nghe về một thư viện khác ngoài thư viện Alexanderia. Đó là một thư viện đặc biệt, thư viện trong Nhà tù Shawshank (The Shawshank Redemption). Nếu quý vị nào chưa xem bộ phim này thì cũng có thể coi như đây là một gợi ý nhỏ. Phim được chuyển thể từ một tiểu thuyết của Stephen King và được xếp hạng là một trong những bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh (?). Tất nhiên trong một bộ phim thuộc hàng kinh điển như thế, thư viện trong nhà tù Shawshank mà tui đang kể chỉ là một chi tiết nhỏ. Nhưng nhỏ mà lại đắt.

Thế thư viện trong nhà tù Shawshank ấy có gì? Có nhiều. Nhưng thực ra trong đó có gì lại không quan trọng bằng việc ta tự hỏi tại sao trong một nơi được xem là địa ngục trần gian với toàn những tên giết người mang án chung thân ấy lại có thư viện? Thế mà lại có. Thật khó để hình dung lại có một nơi minh triết trong cái chốn tưởng chừng như cặn bã.

Tui quá ấn tượng và ám ảnh bởi cái cách mà Red nói với Dufresne về các bức tường của nhà tù. Red nói những bức tường của xà lim ấy thật kỳ lạ, đầu tiên ta ghét chúng, nhưng nếu ở đủ lâu thì lại thành quen thuộc, thậm chí không muốn thoát ra nữa. Điều này có khi nào giống chúng ta không? Có khi nào chúng ta cũng bị cầm tù quá lâu, trong tư duy, trong định kiến, và trong cả nhiều thứ khác, đến mức chúng ta cũng không còn nhận ra những bức tường kiên cố vô hình hay ngoài kia có gì?

Và sách. Thật kỳ lạ lại là sách. Ùi và cả âm nhạc nữa chứ. Lời của người kể chuyện thật hay, “cho đến hôm nay tôi vẫn không hiểu hai người phụ nữ Ý hôm ấy hát cái gì, sự thật là tôi cũng không muốn biết, có nhiều thứ tốt hơn là im lặng; tôi muốn nghĩ nó là một cái gì đó thật tuyệt vời mà không thể diễn tả bằng lời và làm cho trái tim bạn thổn thức; những gọng hát này bay cao hơn và xa hơn bất cứ nơi nào mà những con người trong xà lim này dám mơ tới; nó giống như những chú chim xinh đẹp vỗ cánh bay vào một cái chuồng xám xịt và làm những bức tường bao quanh sụp đổ”.

Tui cũng quá thích phân cảnh mà những tù nhân phân loại sách. Cái cách mà mọi người cười ồ lên khi Heywood vất vả đánh vần cái tên Dumas, tác giả của Bá tước Monte Cristo, thành “dum ass”, cả việc Red muốn xếp cuốn sách về vượt ngục ấy vào chuyên mục “Giáo dục”.

Có lẽ nếu kể nữa thì lại spoil, phần còn lại mọi người xem nhé. Chỉ một điều nhỏ trong ấy mà tui kể thôi cũng đáng để xem rồi. Tui lại lặn tiếp đây.

Shawshank

26/4/2023

Comment