Mã trung Xích Thố…

  • Trần Phan

Tình cờ được xem bức tranh vẽ ông thần mã Xích Thố và bất chợt nghĩ cổ kim xưa nay không ai viết về rượu hay bằng Kim Dung và không ai viết về… ngựa hay bằng La Quán Trung.

Phi Kim Dung bất thành tửu luận. Rượu trong Kim Dung nhiều người viết, bạn Phan cũng từng viết. Trong Kim Dung, đâu có rượu, đấy có những bậc cái thế anh hùng, khí chất lẫm lẫm, dù biểu hiện đôi khi chỉ là tên đạo tặc hái hoa hay hạng phàm phu tục tử. Ai người đọc Kim Dung cũng không thể không thán phục Tổ Thiên Thu đã luận về rượu trên Hoàng Hà, Điền Bá Quang vượt mấy nghìn dặm xa xôi để gánh hai vò Thiệu Hưng lên đỉnh Hoa Sơn tìm Lệnh Hồ Xung, hay như Tiêu Phong trên Thiếu Thất sơn uống chén tuyệt tình với chư vị anh hùng trước khi bước vào trường sát giới gió tanh mưa máu… Vậy là đủ.

Còn ngựa, thiết nghĩ chỉ có La Quán Trung mới được xếp vào hàng tuyệt bút. Quan, Trương, Triệu, Ngụy, Lã, Đổng, Tào,… cũng chỉ là nước chảy về đông. “Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy, lãng hoa đào tận anh hùng” (Dương Thận) là chuyện xưa nay. Núi có cao sông có sâu nhưng đám ấy giờ ló lên facebook thế nào cũng bị dân tình chém cho bạc mặt. Duy có đám bụi mù bốc lên dưới vó những con chiến mã mới còn đó sừng sững “thanh sơn y cựu tại”. Dạ chiếu của Triệu Vân, Ô vân của Trương Phi, Đích lô của Trương Vũ, Tuyệt Ảnh của Tào Tháo,… cho thấy không phải những anh hùng mà là những con ngựa mới tạo nên chân vạc Ngụy Thục Ngô loạn lạc mà bi hùng.

Tất nhiên không thể không nhắc đến Xích Thố mã vô tiền khoáng hậu và bá đạo nhất từng biết trong lịch sử. Đó là một ông ngựa dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Bảo vật trong thiên hạ, kể cả mỹ nhân, đều tự nó tìm đến những anh hùng. Xích Thố cũng không ngoại lệ, và nó có một số phận thật kỳ lạ. Đầu tiên Xích Thố thuộc về Đổng Trác, về sau, để thu phục, Đổng Trác đã đem ông ngựa quý của mình tặng cho Lã Bố. Từ đó Lã Bố cùng Xích Thố chinh chiến khắp nơi, dạo giữa sa trường như đi thăm dưa, vạn người không địch nổi. Anh hùng có Lã Bố, tuấn mã có Xích Thố là vậy.

Nhưng số phận của Xích Thố không dừng lại ở đấy, Lã Bố bị giết, thần mã về tay Tào Tháo rồi đến Quan Vũ để viết tiếp chương thứ hai của cuộc đời mình, mà những dòng đầu tiên là chở Vân Trường lấy đầu sáu tướng khi vượt qua năm cửa ải để về với Thục chủ. Từ đó hình ảnh Vũ cầm cây thanh long uyển nguyệt đao cưỡi trên Xích thố mã trở thành một huyền thoại. Ở đâu có bóng dáng Xích thố, ở đó mùi khai bốc lên nồng nặc vì tất cả các đối phương đều đái ra quần.

Nhưng cũng thật tiếc cho Xích Thố. Nếu như Đích Lô hay Ô vân đều cùng chủ của mình ngã trên chiến địa để kết thúc cuộc đời giữa lửa và máu thì Xích Thố lại chết… già, một cái chết quá lãng xẹt cho một trang tuấn mã. La Quán Trung có lẽ vì ưu ái mà để cho Xích Thố vì nhớ thương Vân Trường bỏ ăn mà chết nên đã giấu đi chi tiết tuổi thọ của loài ngựa không quá 30 năm. Khi về với Mã Trung để chấm dứt một huyền thoại, Xích Thố đã trải qua thời gian chinh chiến bằng số năm này, chưa tính thời gian trưởng thành để có thể cùng Đổng Trác lao vào chốn hòn tên mũi đạn mở màn cho sự nghiệp lẫy lừng của mình. Không có một sự nhớ thương nào hết, về mặt sinh học, chắc chắn Xích Thố đã quá tuổi.

Và cũng thật tiếc cho Xích Thố, một ông ngựa vào hàng thần mã có một không hai như vậy mà thế đếch nào hết Đổng Trác rồi đến Lã Bố, Tào Tháo, Quan Công,… lại không cho ông ấy được một lần xxx để biết đâu có một Tiểu Xích thố chồn chân hí vang giữa chốn cùng sơn tận thủy mấy độ bóng tà hồng?

xichtho

Facebook | Sep. 14, 2015

Comment