Mở một chai Bacardi và lảm nhảm với Lynh Bacardi

Đã bao lần tôi đã nhủ rằng “không đọc Lynh Bacardi” nữa. Vậy mà hết lần này đến lần khác… Giống như một đứa trẻ ăn vụng đứng bên chạn bát nhìn miếng thịt thèm thuồng rồi lẩm bẩm “chỉ một lần nữa thôi…”. Đấy! Cái “một lần nữa” này không biết đến bao giờ mới hết…

Tôi – nếu nhìn bằng bằng đôi mắt của văn chương – là một kẻ dốt đặc. Có sao đâu, thiên hạ còn khối kẻ dốt đấy thôi! Oái oăm là ở cái tính nhiều chuyện và gàn dở. Hễ ở đâu có vụ gì linh đình là tự nhiên cái lỗ mũi nó ngứa ngáy khó chịu. Tôi kể dài dòng như vậy cũng có cái lý do. Tôi “gặp” cô nàng Di-gan này ở một trường hợp như thế cùng với bốn “con ngựa trời” khác trong bản tin “Dự báo phi thời tiết”.

Nói thật lòng, tôi chưa bao giờ cầm trong tay “Dự báo phi thời tiết” hoặc nghe trong đó có gì để hóng hớt với mấy ông anh kết nghĩa sồn sồn râu mọc ngược hay các lão bạn vong niên đái ướt mũi giày. Có nghĩa là những gì tôi đọc chỉ cho thấy tôi chỉ biết Lynh và biết Bacardi nhưng chưa bao giờ biết Lynh Bacardi. Đó! Tôi nói vậy các bạn có hiểu không? Không hiểu chứ gì? Mấy ai đã đọc và mấy ai đọc hết để hiểu Lynh Bacardi là thế nào.

Hiểu sao được khi chưa bao giờ đón những buổi chiều giông, “khi những con bò đã ngủ trong chuồng” và mọi “mọi con cái đều rúc mình vào con đực trơ xương” hay nhốt mình trong “căn phòng kín và những chùm vú treo lỏng lẻo”. (1) Hiểu sao được cảm giác khi khui một chai Bacardi và “bụm em trong lòng bàn tay sớm mai, em ướt mềm, căn phòng, lầu 6 còn ngái ngủ, gọi tên cõi người bằng một loại rượu mạnh”. (2) Mọi câu nói đều trở nên vô nghĩa khi Lynh hay bất cứ ai trong tất cả chúng ta nhìn “anh gói ghém tất cả hành lý băng bó vết thương sau chuyến lực hành có dự định, miết những ngón phờ phạc hòng tách những sợi tơ”. Ừ đi đi! Đi sau khi “thả em hi vọng mất hút vào lòng sông ký ức ráo tạnh” vì có thể khi đi rồi em sẽ hỏi “có không anh thế giới thở bằng trí giác, tình yêu thở bằng nhánh khô mối mọt” (3) hay mở tiếp một “chai bacardi thứ hai” để nói với ba “xin đừng đánh con chỉ vì ba muốn con trở thành một tiến sĩ oanh liệt” vì biết mình đã “phang vào ngõ cụt bản trường ca đã bị gãy đổ, ít ra trong khả năng ráp vịn của mình, niềm tin ngờ nghệch ngón tay em vỡ vụn trên bàn phím, những kiến thức mang hình thù chiếc mũi giầy há mõm”. (4)

Thực hay mơ? Với Lynh, tôi không có gì để phân biệt. Ráo hoảnh đến nhức nhối khi nhìn con lợn Nỉ ăn chính con mình đẻ ra để lấy sữa nuôi những đứa con khác, nuôi cả những đứa đi bằng hai chân và cả những đứa “chẳng có cái chân nào và tay thì chỉ còn một cái. Mà cái tay còn lại…chỉ là một cùi thịt…trơn nhẵn nhụi ngắn ngủn đến cùi chỏ của người bình thường. Và ngay chỗ cùi chỏ đó mọc ra duy nhất một cái ngón dài không chút đốt xương, rồi cuối cái ngón còn mọc một chùm lông lưa thưa có màu bàng bạc, lòng thòng như một cái đuôi lợn”. Tỉnh táo hay mê sảng khi “bụng tôi đang nhẫy ra, lùng bùng chưa kịp săn lại. Vú tôi nhức lên với cả bầu sữa cuồn cuộn bên trong” mà má lại cam đoan rằng tôi chưa bao giờ sinh nở để rồi hết lần này đến lần khác nhìn người ta đi chôn xác thằng bé bướu cổ mà rùng mình với lời nói chắc như đinh đóng cột “Nội-nói-nửa-tiếng-sẽ-quay-lại”. Không phải là một cơn ác mộng–thực sao khi thằng Hữu “vừa đái vừa ỉa với tất cả khoái cảm đột ngột được tôi khai phá”? (5)

Tôi không biết mô tả thế nào vì tôi thấy tất cả chữ và nghĩa bùng phát từ một điểm kỳ dị. Đoạn và câu nổi loạn trong sự dằn xé khi “tự xát muối vào vết thương chưa đóng vẩy, bóp chết dòng hiếu đạo chực trào, làm sao để định hình sự hoàn hảo, tôi cuốn xéo mọi cảm tính bùng phát, gáo nước ngạo nghễ cuốn phăng tấm mặt, sự trụi lủi vờ trôi trong ý thức” (6) hay “dán giấc mơ nơi mỏ ác, mưu cầu một nhánh huệ teo gầy, một bài kinh hổ lốn, giầy cao gót & hơi men làm giàu quê mẹ, tấm bảng báo cáo phẩm chất nhân loại, công sinh dưỡng một ngàn đô, tôi đội mưa bùn hãnh diện chữ hiếu”. (7) Cần gì phải tìm vì không khó nhận ra sự cô độc, sự cô độc của những con người khao khát thoát ra khỏi sự cô độc khi ngồi “tỉ mẩn xếp những khúc xương của con lên tấm khăn lông. Trên nền vải đỏ, hình hài con tôi lại dần hiện ra như mọi lần. Thứ tự là xương sọ trước, rồi xương cổ, xương bả vai, xương sống, xương sườn, xương tay chân, xương…”. (8).

https://i0.wp.com/www.tienve.org/home/images/lynh.jpgTỉnh yêu ư? Khoái lạc ư? Bọ ngựa là em! Tôi biết! Nhưng cứ đến với nhau dù “tôi biết em, chỉ disconnect cuộc chơi, khi bình minh ngấm thuốc mê trong chiếc túi phù thuỷ, hay chỉ replay khi đã play trọn gói mỗi lần, nhai lại từ đầu một con đực khác, để tạo cho mình một cơ hội mới, khoái cảm mới, mãnh lực mới, sự săn lùng mới”. (9)

Tung hê hết, say hết, điên hết, tất cả chỉ “3000 là đủ” nhưng sao rộng lớn khi “tôi nhìn xuống chân mình, ở đó, một cái hốc nho nhỏ cỡ bằng đồng bạc, nhưng sâu hoắm, nằm im lìm như một vết thương hiển nhiên, như đó là dấu tích tuổi thơ mà bà muốn con bé dành riêng cho tôi.” (10)

Tôi viết đến đây và đã đến lúc tôi phải khép lại vì trong tôi lại hiện về hình ảnh những viên đá nhảy lia thia rồi chìm sâu trong lòng nước của hồ Mang Vàng. Tôi cũng không hiểu là tôi viết cái gì. Tôi cũng nghi ngờ là tôi viết hay chai Bacardi viết…

 

10 – 2009

——————————————————————————-

 

(1) Căn phòng kín và những chùm vú treo lỏng lẻo

(2) Bacardi

(3) Sự trải dài vô tận

(4) Của chai bacardi thứ hai

(5) Hậu sản

(6) Rêu rao đời mình

(7) Let it be

(8) Nghĩa trang đồng nhi

(9) Mùa đĩ ngựa

(10) Con bé bịt mắt

2 thoughts on “Mở một chai Bacardi và lảm nhảm với Lynh Bacardi

  1. MIMOSA

    Chưa đọc nhiều của Lynh Bacardi, chỉ mới đọc “Hậu sản”, “Nghĩa trang đồng nhi” và một số bài thơ trong “Dự báo phi thời tiết”. Phải công nhận là một người trẻ tuổi, tài cao, vốn sống rộng và nổi loạn.

    Thích

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s