Trần Phan
Ở ta, đàn ông lớn tuổi chơi guitar hình như không nhiều. Đàn bà lớn tuổi chơi guitar, mà chơi hay, lại càng hiếm. Trong clip mình gắn ở cuối bài này, một người như thế đã trình tấu Thuyền viễn xứ của Phạm Duy mà mình nghe như thể người đàn như muốn chơi một lần cuối cùng.
Cô ấy là Lâm Ngọc Hằng. Thỉnh thoảng vào youtube có thấy clip cô đàn xuất hiện trong list gợi ý. Lần nào như thế mình cũng nghe. Lúc thấy cô đàn ở phòng làm việc, lúc thấy ở phòng bệnh, nơi đầy dây chuyền dịch và ống thở oxy, ấy vậy mà tiếng đàn vẫn cất lên một cách đầy cảm xúc. Ở tuổi 73 tại thời điểm ghi hình ấy, cái cách mà cô trình diễn kỹ thuật tremolo và xếp ngón cho những hợp âm chặn mịt mù kèm những tiếng bass được nén dây và thả rời có cảm giác như chùng cả không gian như thế có thể giúp ta hình dung phần nào một công phu cầm nghệ. Mà chỉ với cái cách mà cô trang phục và cầm đàn thôi, cũng có thể hiểu cô yêu quý và miệt mài với guitar như thế nào.
Nghe đàn, mình không nghĩ cô ấy là một dược sĩ. Cho đến khi chợt nhớ ra là có một thế hệ khoa bảng cũ mà mỗi lần nhắc đến, một người bạn của mình lại thở dài, rằng, cái phong vận của quá khứ ấy khó mà tìm thấy ở thời vị lai.
Đàn ông đến với guitar thì ngoài yêu thích có thể còn có nhiều lý do chính đáng khác, như chơi để làm màu, chơi để tán gái,… Những lý do đó sẽ mất dần theo tuổi tác. Rồi sau tất cả, khi không còn nhu cầu làm dáng, tiếng đàn chỉ còn lại trìu trĩu những nỗi niềm.
Đàn bà khác. Họ như được chọn. Dù họ có thể chuyên hoặc không.
Nên tiếng đàn vì thế cũng khác.