Trần Phan
Hồi nhỏ, tui rất khó để nhận biết phải gọi một người bà con nội ngoại của mình theo cách gọi vai vế truyền thống ra làm sao. Nói hồi nhỏ là nói cho đỡ quê thôi chứ thực ra mãi đến khi học hết đại học tui vẫn cứ trốn những ngày giỗ họ, chạp mả, thanh minh,… mà một trong những lý do là khi gặp bà con của mình tui không biết phải xưng hô thế nào. Tui không muốn mọi người nói rằng sao thằng đó có học mà gặp bà con cứ lõ con mắt chẳng biết chào ai. Mà kể cũng lạ, hồi đó chẳng biết do thiên tư trì độn hay gì mà tui không tài nào nhớ nổi đây là anh ba, con của bác năm mà ba của bác ấy gọi bà cố của tui bằng dì ruột, đại khái vậy.
Tui kể câu chuyện hồi lâu lắc của mình nhân đọc bài viết “Trọn gói tâm linh” gây sóng gió của chị Phạm Thị Hoài, một cây bút mà tui đánh giá là hiếm có trên văn đàn Việt ngữ. Xin trích ra đây đoạn mở đầu:
“Trong các phong tục Tết, tôi ớn nhất cúng bái. Cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp, cúng Tất niên chiều 30, cúng Giao thừa đêm 30, cúng Nguyên đán mồng Một, cúng Chiêu điện sáng mồng Hai, cúng Tịch điện chiều mồng Hai, cúng hóa vàng mồng Ba, cúng Khai hạ mồng Bảy, cúng Thần tài Thổ địa mồng Mười, cúng Nguyên tiêu rằm tháng Giêng. Trong vòng chưa đầy một tháng cả chục cú không cúng không được, người ta cúng cả, thuộc về gói cúng cơ bản, chưa kể gói combo những cúng rước cúng tiễn, cúng chay cúng mặn, cúng trong nhà cúng ngoài trời, cúng tảo mộ cuối năm, cúng khai trương xuất hành đầu năm, cúng cầu an giải hạn, cúng bổn mạng và các vụ cúng kiếng đền chùa lễ hội đầu Xuân. Như chạy nước rút. Chạy deadline. Chạy sô. Chạy thành tích tâm linh […]”.
Cũng như chị ấy, rằng “không bàn về đức tin, tín ngưỡng là chuyện riêng của mỗi cá nhân”, nên tui cũng không bàn về góc nhìn tín ngưỡng của chị ấy, nếu có, nơi mà chị ấy đang đứng để phán xét. Tui chỉ muốn nói rằng nếu đọc toàn bộ bài viết của chị ấy, ta rất dễ nhận ra chị ấy trộn lại rất nhiều thứ một cách có chủ ý, một thủ thuật để đánh đồng nhiều vấn đề, trong đó có cả những hủ tục sang những phong tục truyền thống. Điều này với chị ấy quá dễ dàng. Với một khả năng dụng ngữ hiếm có như đã nói, chị ấy rất dễ dẫn dắt độc giả đi từ “Thánh Trần, Thánh Mẫu, Thánh giá và Thánh Gióng; Đức Khổng, Đức Ông, và Đức Chúa; Chúa Kho, Chúa Chổm và Chúa Giê-su,…” và cuối cùng thao túng một tâm lý rằng tất cả việc cúng kiếng ở ta là hổ lốn, kinh dị và tùy tiện.
Tất nhiên tui cũng không ưa gì sự mông muội, thái quá, để từ đó bị lạm dụng và phát sinh các vấn đề trục lợi tâm linh như chị ấy đã nói. Nhưng đánh đồng, lại đánh đồng một cách có chủ ý như thế, là khiên cưỡng và cực đoan.
Như chuyện của tui, nhờ có một đôi lần mạo hiểm về quê chạp họ mà giờ tui thuộc tên vanh vách từ dì ba cô bảy phía nội hay anh bốn con bác tám phía ngoại. Tui có thể nhớ chính xác vị trí của các ngôi mộ, ngọn núi đó có ông bà nào, hay quả đồi kia có những ai đang nằm. Rồi như một thói quen, nếu năm nào bận quá mà ngày chạp mả không chạy về cầm cái cuốc để sửa sang phần mộ cho ông bà cứ thấy bứt rứt khó chịu. Cứ phải về, tu tảo cho tổ tiên xong, kéo gàu ra giếng rửa cái chân, vào bàn thờ tộc thắp cây hương rồi ra hỏi sức khỏe ông ba, cô sáu, chú tám, cà khịa mấy đứa mới cưới vợ, búng tai mấy đứa em út, nựng má mấy đứa trẻ con, mời nhau ly rượu lộc,… thấy nó khác lắm.
Không có những ngày như thế tui tin chắc là cùng lắm mỗi người chỉ nhớ từ đời ông nội mình trở xuống, phía bà nội thì hên xui. Tất nhiên như thế cũng được, nhưng nó không trọn. Thời buổi này không biết bà con xa của mình cũng chẳng sao, nhưng biết dù gì cũng tốt hơn. Tui nói sơ sơ một việc như vậy rồi bà con ngẫm những chuyện khác thử có đúng không?
Ông bà mình nhờ những cúng kiếng như thế mà gắn kết. Trước là tổ tiên, sau là dịp để con cháu có cơ hội mà gặp mặt để biết nhau. Cái dở cũng nhiều nhưng cái hay cũng khó mà nói hết. Vậy nên đừng trộn lại rồi hất nguyên cả một rổ.