Trần Phan
Lâu lắm mới ở lại trưa, nơi một quán cà phê từng rất quen thuộc. Cà phê vẫn ngon, có điều chả hiểu vì tình cờ, vì gu nhạc của người chủ thay đổi, hay vì ai đó yêu cầu mà mình được nghe một đoạn hay vãi đái trong bản Symphony No. 4 của Schumann trong một ngày cuối năm ẩm ương.
Mình nghe cổ điển như vịt nghe sấm thôi, cứ thấy một ông cầm cây đũa đứng cà giật cà giật là buồn ngủ. Có điều có một vài bản lại rất thích và rất nhớ. Mà cái thích của mình với thứ âm nhạc không dành cho giới shipper như mình nó cũng lạ. Có bản thích vì tự nhiên thích, có bản thích vì câu chuyện của nó, và có bản thích vì cả hai. Symphony No. 4 thuộc về dạng cả hai này.
Câu chuyện của Symphony No. 4 nếu kể ra thì rất dài. Đại khái nó ra đời trong quãng thời gian Schumann và Clara đến với nhau bất chấp sự ngăn cản của Friedrich Wieck, thầy dạy của Schumann và là cha đẻ của Clara.
Lùi xa hơn về trước một chút, đâu đó những năm đầu thập niên 1830s, cô nàng Clara lúc ấy nổi danh là thần đồng dương cầm đã đem lòng yêu người học trò tài năng của cha mình, Schumann. Có điều lúc ấy Clara mới 12 tuổi. Và vì sợ Schumann yêu người khác, cô bé Clara lúc ấy đã níu áo chàng thanh niên Schumann 21 tuổi nài nỉ “Ráng chờ em lớn anh nhé”. Uimeoi, cưng hết nấc.
Nhưng mối tình của họ không suôn sẻ. Cha của Clara, Friedrich Wieck, đã hết sức ngăn cản. Ông nhìn thấy ở Schumann một tài năng thiên bẩm, nhưng nghèo quá. Ông thừa biết đã nghèo cộng thêm thiên tài nữa thì càng nghèo. Chả ai muốn giao cuộc đời con gái cưng của mình cho một người mà mình biết chắc cú là sẽ được vinh danh sau khi… chết. Với lại lúc đó tiền đồ của Clara đang rộng mở với tài năng trình diễn piano xuất chúng của mình. Wieck sợ tình yêu sẽ làm con gái mình vướng víu. Mình nghĩ ông sợ cũng đúng, khổ thân phụ huynh Friedrich Wieck quá.
Nhưng bất chấp hết, Clara không rời xa người tình của mình, kể cả sau đó Schumann bị hỏng ngón tay thì Clara vẫn nói “Em sẽ cho anh mượn đôi bàn tay của em để chơi đàn”.
Nghe nói Friedrich Wieck đã giận dữ kiện Schumann ra tòa, tòa phán “Tình yêu không có tội”. Tòa gì mà cũng cưng nữa.
Và Symphony No. 4 ra đời trong những ngày như thế.
P/s: Schumann còn có một người học trò, một nhạc sĩ lừng danh khác, Brahms. Và đó cũng là một câu chuyện rất dài…