Trần Phan
Nhân mùa Phật đản, nói về Hoa Ưu Đàm.
Mà nói về Ưu Đàm, kẻ nông cạn như mình khó mà chạm đến cái triết lý thâm sâu của loài hoa này. Nhưng thôi, xưa nay hời hợt đã quen, coi như thêm một lần như thế nữa cũng chẳng sao.
Hoa Ưu đàm, tức Ưu Đàm Bà La hoa (Udumbara), là một loài hoa được nhắc đến trước hết (?) trong thánh điển Vệ-đà và nhiều kinh văn Ấn giáo hậu Vệ-đà. Sau đó, loài hoa này tiếp tục được đề cập trong nhiều bộ kinh của Phật giáo.
Khoan nói đến hoa Ưu đàm trong thực tế là hoa nào thì chúng ta đều thấy đây là một loài hoa thiêng gắn với hai tôn giáo lớn của nhân loại, đó là Ấn giáo và Phật giáo. Khó ai có thể điểm hết những lần loài hoa này được nhắc đến, cũng như các sự kiện gắn liền với nó, trong các bộ kinh nói trên, nhất là trong Ấn giáo (vì các thần thoại hậu Vệ-đà thường có nhiều phiên bản khác nhau). Ở đây chỉ nêu ra một số trường hợp.
Theo kinh Vệ-đà, cây Ưu đàm tượng trưng cho sự may mắn và mang lại thịnh vượng. Trong nhiều thần thoại khác, Dattatreya, một vị thần quan trọng của Hindu, được cho là trú ngụ trong loài cây này. Lưu ý, Dattatreya là hình ảnh đại diện của Trimurti, tức Brahma (Đấng sáng tạo), Vishnu (Đấng bảo tồn) & Shiva (Đấng hủy diệt). Trong Vishnu Purana, thần Vishnu được nhắc đến như là hiện thân của cây Ưu đàm, ngay cả cái tên Udumbara (Ưu đàm) cũng là một tên khác của vị thần quyền uy này.
Kinh Phật cũng nhiều lần nhắc đến tên Ưu Đàm Bà La hoa. Điển hình như Mahapadana Sutta (kinh Đại Bổn, Digha Nikaya) nói rằng Câu Na Hàm Mâu Ni Phật (Konagamana), một trong 7 vị Phật của quá khứ, đã giác ngộ dưới gốc cây Ưu đàm. Theo Vô Lượng Thọ kinh, người nhìn thấy hoa Ưu đàm sẽ được mang đến điềm lành, hay như kinh Văn Cú cũng nói loài hoa này ba nghìn năm mới nở một lần, khi nở là Kim Luân Vương xuất hiện.
Vậy Ưu đàm hay Ưu Đàm Bà La hoa là loài hoa nào? Khoảng trên chục năm trở lại đây, trên internet hay chia sẻ những bài viết và hình ảnh được cho là hoa Ưu đàm (ảnh 1). Thực ra những hình ảnh đó có lẽ bắt nguồn từ những website của Pháp Luân Công, sau đó được cộng đồng mạng tiếp tục thêu dệt.
Nhưng đó không phải là hoa Ưu đàm. Bỏ qua chuyện tin hay không tin, về mặt sinh học, đó là trứng của một loài côn trùng thuộc chi Chrysoperla trong họ Chrysopidae (ảnh 2). Nếu so với mô tả là Ưu đàm trong kinh Tương ưng như “có thân cây lớn, lớn lên bao trùm các cây khác” thì những vật thể màu trắng bé li ti trong ảnh 1 lại càng không thể là Ưu đàm.
Ưu đàm thực chất là loài cây rất gần gũi với chúng ta. Đó là cây sung (ảnh 3), danh pháp khoa học: Ficus racemosa L., 1753. Sở dĩ nói vậy vì Udumbara có gốc từ Phạn ngữ để chỉ cây sung, hình ảnh cây sung cũng trùng với mô tả trong kinh Tương ưng [đã dẫn], tra cứu trong cuốn Cây thiêng Ấn độ (Sacred Trees of India) được biên soạn và hiệu đính bởi những học giả nổi tiếng càng thấy rõ hơn điều này.
Do đặc điểm thực vật học của cây sung nên nhiều người sẽ nghĩ loài cây này không có hoa; chỉ mọc, lớn lên, rồi cho quả. Đây là lý do không ai biết hoa của cây sung như thế nào, rồi thì phải “ba nghìn năm mới nở một lần”, một khoảng thời gian quá dài để cơ hội được nhìn thấy hoa của một đời người gần như bằng không.
Thực ra cây sung có hoa, cả hoa đực và hoa cái, đó là những phần bé ti ti nằm bên trong cấu trúc mà ta gọi là quả (thực ra là quả “giả”). Trong quá trình tiến hóa, trục cụm hoa của loài thực vật này thu ngắn lại, sau đó lõm vào để bọc lấy các hoa bên trong.
Như vậy, “ba nghìn năm mới nở một lần” không phải là quãng thời gian cụ thể được đo bằng giây, phút hay ngày. Đó là một mật ngữ để chỉ về Duyên. Đủ duyên sẽ gặp, còn không thì dẫu có ngay bên cạnh cũng không biết, “vô duyên đối diện bất tương phùng” mà ta hay nói là thế. “Khi [hoa ưu đàm] nở là Kim Luân Vương xuất hiện” cũng không phải nói đến một Thánh Vương nào đó hạ phàm mà để chỉ cho chính chúng ta, ở ngay chính cái khoảnh khắc mà ta hốt nhiên đại ngộ. Thiền luận của Suzuki có viết “thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm dài dẳng, nhưng đến một lúc nào đó thì chớp nhoáng cơn khủng hoảng vỡ bùng và người ta thành La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc thành Phật luôn nữa. Có thể lắm, nội dung của Giác Ngộ giản dị vô cùng ở bổn thể, nhưng sức chấn động thì thực là kinh khủng”.
Hóa ra nhiều sự trên đời tưởng như xa tận chân trời mà lại gần ngay trước mặt.
—
P/s: Quý vị có thể xem thêm về quá trình thụ phấn của các loài thuộc chi Ficus (ảnh 4) như ít phút quảng cáo dành cho sinh học.
Thêm chút thông tin là tên Hà Ra (từ gốc Champa) dùng để chỉ nhiều địa danh vùng duyên hải và cận cao nguyên Trung phần Việt Nam cũng có liên quan đến loài cây này.