Trần Phan
Hôm rồi có cuộc trao đổi nhỏ về địa danh Vijaya (thường gọi Đồ Bàn hay Chà Bàn). Tất nhiên là chém gió cho vui chứ chẳng đi đến đâu. Định không post lên đây những ý của mình vì suy nghĩ chưa thấu đáo, các nguồn tra cứu còn sơ sài, nhưng thôi kệ, coi như ghi chép, và biết đâu có ai đó chỉ điểm thêm.
Trước hết cũng cần nhắc rằng vương quốc Champa được biết đến như một kiểu nhà nước “liên bang” (mô hình mandala), gồm nhiều tiểu quốc (nagara) khác nhau. Có thể kể đến như Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga,… Trong suốt chiều dài lịch sử của vương quốc cổ này, do nhiều biến cố khác nhau, có thể từ bên ngoài (Funan, Khmer, Đại Việt,…), có thể đến từ nội bộ do sự tranh dành ảnh hưởng giữa các tiểu quốc, và cũng có lúc do cả hai, mà một nagara nào đó trỗi lên và chi phối các tiểu quốc còn lại.
Như vậy, Vijaya là tên một tiểu quốc của mandala Champa với địa khu tương ứng với Bình Định ngày nay, và cũng là tên kinh đô của Champa (thành Đồ Bàn, hiện vẫn còn dấu tích ở An Nhơn) trong thời kỳ vương quốc này có quốc hiệu Chiêm Thành. Các vương triều Vijaya gắn với các vị vua lừng danh (Chế Mân, Chế Bồng Nga,…) và cũng được biết đến như là thời kỳ huy hoàng và bi tráng nhất.
Dẫu biết trong lịch sử tồn tại của vương quốc, Champa chịu ảnh hưởng sâu sắc Bà-la-môn giáo nên tên các địa danh, đô thị cũng lấy từ tên gọi các địa danh vùng Nam Ấn, và Vijaya có lẽ cũng được đặt theo cách như thế. Nhưng ý nghĩa và nguồn gốc của tên gọi này thế nào, nhất là khi gắn với lịch sử Champa, thì cho đến nay hình như vẫn chưa có ai thực sự làm rõ. Hoặc có thể ai đó đã giải thích thấu đáo mà mình không biết.
Về nghĩa, Vijaya là chiến thắng hay bất khả chiến bại. Điểm qua các sử thi và kinh văn Ấn giáo hậu Vệ-đà sẽ thấy Vijaya được nhắc đến rất nhiều, có thể là tên một vị thần, tên người (cả nam và nữ), tên đồ vật,… Vậy nên khó có thể biết người Cham xưa đặt Vijaya theo nguồn nào. Có thể kể ra đây vài ví dụ như Vijaya có thể là tên một vũ khí của Karna (con của thần Surya), có thể là một tên khác của Arjuna (con của thần Indra), Vijaya cũng là một trong hàng nghìn tên của Đấng Vishnu và cũng là một tên khác của nữ thần Durga (vợ của thần Shiva),…
Mình không nghĩ Vijaya được đặt tên theo thần Vishnu vì người Cham xưa phần lớn là tín đồ Shaivism và thờ Đấng Shiva với tư cách là vị thần chủ.
Nhưng có một chi tiết quan trọng là mình đọc ở đâu đó có nói Vijaya cũng là một tên cũ của sử thi Mahabharata (?). Nếu kinh thành Indrapura ở Quảng Nam được đặt tên theo thần Indra thì rất có thể Vijaya được đặt theo tên con của thần, tức Arjuna, chiến binh bất khả chiến bại trong trận chiến Kurukshetra 18 ngày được đề cập trong Mahabharata.
Nhưng cũng có thể Vijaya lại chính là nữ thần mẹ Durga, vì Vijaya là một trong nhiều tên của Durga, và ngay cả cái tên Durga cũng có nghĩa là bất khả chiến bại. Nếu ý này mà đúng thì rất có thể thủ phủ của Vijaya là Durgapura chứ ít khi tên kinh đô cũng là tên tiểu quốc.
Nói chung là càng nói càng rối. Post tấm ảnh voi đá thành Durgapura (hehe) để kết thúc mấy cái gạch đầu dòng chẳng đâu vào đâu này.