Trần Phan
Nếu chỉ nhìn vào bao triều đại hay đế chế hưng thịnh rồi diệt vong, bao nền văn minh rực rỡ rồi suy tàn, cùng với cái hữu hạn của đời người, chúng ta có cảm giác mình đã đi một chặng rất dài trong cõi tồn sinh này. Thật ra không phải vậy, cũng là một sinh vật, loài người xuất hiện rất muộn màng. Để dễ hình dung, ta tạm coi toàn bộ thời gian của lịch sử tiến hóa là một ngày, tức 24 giờ. Theo đó, sự sống sẽ xuất hiện lúc 0 giờ, và loài người sinh ra và tồn tại tương đương với một cái hắt hơi ở những giây cuối cùng của một ngày.
Ngắn không? Quá ngắn. Xuất hiện vốn đã mong manh, thì lỡ như biến mất cũng là lẽ thường tình. Nhìn lại các biến cố trong hành trình vĩ đại của sự sống mới thấy huy hoàng hay vụt tắt cũng chỉ là một cái phủi tay của tạo hóa. Đôi khi con người ta sẽ trở nên ung dung hơn khi chợt hiểu ra những điều bình thường như vậy.
Và rồi nhìn suốt cuộc tạo dựng, trừ những cơn thịnh nộ mà tiến hóa hay gọi là các cuộc đại tuyệt chủng, thì bằng cách này hay cách khác, tự nhiên luôn có những yếu tố để sinh vật được chọn lọc theo một hướng nào đó, hoặc trở nên tuyệt chủng. Dịch bệnh nói chung và virus Vũ Hán nói riêng có thể được xem như một ví dụ.
Có một điều rất hay là sự lây nhiễm của corona gần như công bằng cho tất cả mọi người. Đứng trước corona, tất cả bỗng trở nên bình đẳng, trả con người trở lại nguyên nghĩa sinh vật. Với corona, ai cũng như ai, không phân biệt ai đẹp hay ai xấu, chân dài hay chân ngắn, người sang hay kẻ hèn, lý luận hay không lý luận,… cứ đụng vào là như nhau. Gần như một sự phổ độ, chỉ khác là ở nghĩa ngược lại.
Nhiều người đang lo về khủng hoảng kinh tế hay làm thế nào để tiếp tục sự nghiệp giáo dục trong lúc mọi thứ đang diễn biến phức tạp. Tất cả những cái đó đều tốt đẹp. Nhưng muốn làm những điều tốt đẹp, trước hết phải sống cái đã.
Và tôi rất thích bà Li Edelkoort khi nói rằng “Coronavirus tặng chúng ta trang giấy trắng cho một khởi đầu mới”.
Ấy là còn cơ hội để khởi đầu.