- Trần Phan
Sư phạm là một ngành đặc thù. Đặc thù từ đối tượng, đến nghiệp vụ. Chuyên môn của nó là chuyển tải tri thức đến người học thông qua hàng loạt các hoạt động được gọi nôm na là phương pháp sư phạm. Trong đó, khả năng xử lý và trình bày một vấn đề phức tạp thành những nội dung dễ tiếp thu (theo lứa tuổi hoặc trình độ) là thứ không phải đơn giản có được thông qua rèn luyện mà còn đòi hỏi phải có năng khiếu.
Khi học tập, nghiên cứu, xử lý hay khai phá một khối lượng kiến thức, sẽ có rất nhiều người hiểu được vấn đề. Nhưng hiểu là một chuyện. Chuyển cái mình hiểu sang cho người khác, không chỉ nguyên gói mà còn gợi mở, thì lại là một chuyện khác. Thực tế cho thấy nhiều người rất siêu, kiến thức rất khủng, nhưng khi giải thích hoặc trình bày một vấn đề thì chẳng ai hiểu cả. Thậm chí khi họ nói về những vấn đề phổ biến hoặc mang tính bình dân. Năng khiếu nằm ở chỗ này. Chứ không đơn giản anh cứ biết cộng trừ nhân chia thành thạo là anh có thể dạy toán cho cấp 1. Nhiều người ngộ nhận như thế nên nước mình có quá nhiều chuyên gia. Thật đen cho một nền giáo dục có quá nhiều chuyên gia kiểu như thế.
Vì phải có năng khiếu nên tui nghĩ cách tuyển sinh của ngành cũng cần phải khác.
Kiến trúc có thi vẽ, thể thao có những bài test thể lực, đó những chỉ dấu cho thấy anh có năng khiếu. Toán lý hóa có thể giúp anh xây dựng, tính toán kết cấu, khả năng chịu lực,… nhưng anh sẽ không xây dựng được cái gì ra hồn nếu không có mỹ thuật. Vẽ vì thế là một trong những nội dung bắt buộc để có một ghế tại trường kiến trúc. Tương tự như vậy ở những môn đặc thù khác, tỉ như anh không thể là vận động viên bóng chuyền nếu anh chỉ nhảy cao 50 xăng-ti, v.v.
Đừng nói tây tàu cho xa. Trước đây, trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa, học sinh sau khi tốt nghiệp tú tài có thể ghi danh học bất cứ một trường đại học nào (theo ban), trừ một vài ngành đặc thù. Trong đó có hai trường mà người học muốn học phải tiếp tục trải qua những kỳ khảo thí hoặc kiểm tra gắt gao, đó là Y khoa và Sư phạm. Y khoa tui ít biết, nhưng sư phạm tui quen nhiều. Họ nói khả năng trả lời vấn đáp và thuyết trình là khâu cuối cùng mang tính quyết định để người học có thể theo học. Một hình thức để kiểm tra năng khiếu.
Đó là chưa nói đến thu nhập.
Người ta làm được, mình nghe nói ưu việt hơn tại sao lại không? Đã không thì chớ, lại còn ba môn một nhúm điểm thì đừng hỏi vì sao.