Về những đứa con…

LTP: nhận được món quà từ một người anh, đúng hơn là một người thầy, đọc và vỡ ra nhiều điều. Nó gần như một sự đốn ngộ. Những chuyện thường ngày đấy thôi nhưng không hẳn là ta đã hiểu. Anh ấy viết…

Tặng hai gia đình hai bạn Khương và Trần Phan với nhóc trẻ vừa chào đời, đoạn dịch sau từ bản tiếng Pháp cuốn “Le Prophète” của Gibran. Cuốn sách nổi tiếng này đã được dịch ra tiếng Việt trước 75 với tựa “Nhà Tiên Tri”. Nguyễn Uớc cũng mới dịch lại nhiều tác phẩm của Gibran. Mình không tìm được bản tiếng Việt, mà chắc chắn những dịch giả nổi tiếng sẽ dịch hay hơn nhiều, đành tự dịch với vốn liếng tiếng Pháp củ chuối của mình.

.

.

Về những đứa con…

  • Gibran

Một người đàn bà đang cho con bú nói: Hãy nói với chúng tôi về những đứa con.

Nhà tiên tri nói:

Những đứa trẻ của bạn không phải là con bạn.

Chúng là những đứa con trai con gái của chính Nguồn Sống thiêng liêng.

Chúng đến cuộc đời này thông qua các bạn nhưng không phải chúng đến từ các bạn.

Và, chúng sống cùng với các bạn nhưng chúng không thuộc về các bạn.

Các bạn có thể cho chúng tình thương, nhưng không thể cho chúng suy tư,

Bởi vì chúng có suy tư riêng của chính chúng.

Các bạn có thể cho thể xác của chúng ở trọ trong nhà bạn, nhưng tâm hồn thì không.

Bởi vì tâm hồn chúng đang trú ngụ trong căn nhà của tương lai, mà các bạn không thể nào quá bươc đến, dù ngay cả trong giấc mơ.

Các bạn có thể cố gắng để giống chúng, nhưng đừng tìm cách làm cho chúng giống các bạn.

Bởi vì, cuộc sống không bao giờ trở lại ở phía sau, và dĩ vãng sẽ mãi mãi là dĩ vãng.

Các bạn là những chiếc cung để cho những mũi tên là con bạn tiến về phía trước.

Đấng sáng tạo như là cung thủ vĩ đại, nhắm vào tấm bia trên hành trình đến vô tận, và Vị Cung Thủ uốn cong các bạn bằng tất cả sức lực của mình để cho những mũi tên tiến nhanh và tầm của chúng được đi xa như có thể.

Và sự cong của các bạn trong tay Cung Thủ vĩ đại là vì một sự hoan ca.

Bởi vì Đấng Sáng tạo yêu dấu cả mũi tên trên hành trình của nó cũng như sự vững chãi của bộ cung.

.

.

111 thoughts on “Về những đứa con…

  1. Hà Linh

    Bài hay quá Trần Phan, yêu thương con nhưng tôn trọng cá nhân con cũng quan trọng lắm..chị nghĩ nhiều khi nhiều người, mà có khi mình cũng thế yêu cầu con cái gì, làm cho con cái gì, muốn con cái gì nghĩ là cho con, vì con nhưng mà suy nghĩ tận cừng thì có khi để thỏa mãn cái tôi của mình thì đúng hơn.Làm sao để tình yêu thương, sự chăm sóc biền thành môi trường tốt cho con mình phát triển đúng như phải thế thật không dễ!

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Dạ, bài thật hay. Hình ảnh chiếc cung và sự cong của chúng giống như một công án. Nó giúp ta một cái nhìn thông suốt hơn về sự góp mặt của ta trong toàn bộ cuộc hành trình vĩ đại ấy.

      Thích

      1. Hà Linh

        đúng đo em, chị nghĩ ở đâu cũng có sự không hoàn hảo nhưng ở Nhật thì rõ ràng quan điểm giáo dục của họ phần nào tương ứng như cách nghĩ ở bài viết trên đó em. Ý “con mình nhưng k phải của mình” đó nhằm nói lên sự độc lập tương đối của 2 cá thế, và để tạo ra sự độc lập độc đó tự nhiên và tôn trọng nó thì không dễ chút nào vì khó phân định đến đâu là tình yêu thương, bổn phận và trách nhiệm cha mẹ, đâu là sự tự do của con, tự do này chị nói không có nghĩa là sự tùy tiện, phá cách mà là tự do của mỗi con người mà không vi phạm đạo đức, pháp luật. Cha mẹ lo cho con, dâng hiến những gì có thể cho con, nhưng không quá bao bọc, không quá mang tính chất chiếm hữu…và để cho con làm những gì mang lại lợi ích cho con chứ không phải là để điểm trang cho cha mẹ.Cha mẹ lo cho con đến chừng mực cha mẹ có thể, đến thời gian có thể, còn con phải nỗ lực vươn lên.
        Ngày đầu tiên bé CS đi học mấu giáo, chị chơ vơ nghĩ trời ơi, con mình tuột khỏi tay mình, nhưng ngay sau đó chị nhận ra bé càng lớn, bé đi vào xã hội của bé, và chị cần phải quay về với xã hội của chị, một ngày nào đó bé còn rời nhà đi vào cuộc đời rộng lớn nữa, chị phải chuẩn bị cho bé tinh thần đó, cũng như chuẩn bị cho chình mình. Bởi vậy chị tạo điều kiện cho con ” xa mình”, cũng như tâm lý sắn sàng ” xa con”. Con có bạn bè của con,có thế giới của chính mình, tự mình phải giải quyết những mâu thuẫn nho nhỏ với bạn bè…Giờ đây, 11 tuổi, bé có những cuộc đi chơi loanh quanh cách vài ba ga xép với bạn mình, làm những gì bé thích…chị cũng thế, khi cần thì giao cả nhà cho 2 chị em trông, chị đi chơi với bạn ..
        Em có Pi, em và Ti đã và đang đồng hành với bé, dù Pi còn bé nhưng cũng cần tôn trọng bé, đừng nghĩ trẻ con thì không biết gì, biết cả đấy! .

        Thích

      2. Trần Phan Post author

        @ chị Hà Linh:

        Cảm ơn chị về sự sẻ chia rất thực mà cũng rất đời và cũng cảm ơn về sự chu đáo. Em chưa có nhiều trải nghiệm trong chuyện này, nói thì rất dễ nhưng qua những gì chị tâm sự em cảm nhận có một khoảng cách rất lớn giữa sự thấu hiểu và sự thừa nhận. Em sẽ cố gắng, tin bố con Pi nhé 😀

        Thích

      1. Small

        Chính xác anh Phan à! đọc xong bài này mở ra cho em những cách ứng xử và suy nghĩ mới về nuôi dạy con. Cảm ơn anh về bài viết này!

        Thích

  2. Tím

    “Chúng là những đứa con trai con gái của chính Nguồn Sống thiêng liêng.

    Chúng đến cuộc đời này thông qua các bạn nhưng không phải chúng đến từ các bạn.

    Và, chúng sống cùng với các bạn nhưng chúng không thuộc về các bạn.

    Các bạn có thể cho chúng tình thương, nhưng không thể cho chúng suy tư,

    Bởi vì chúng có suy tư riêng của chính chúng.

    Các bạn có thể cho thể xác của chúng ở trọ trong nhà bạn, nhưng tâm hồn thì không.

    Bởi vì tâm hồn chúng đang trú ngụ trong căn nhà của tương lai, mà các bạn không thể nào quá bươc đến, dù ngay cả trong giấc mơ.

    Các bạn có thể cố gắng để giống chúng, nhưng đừng tìm cách làm cho chúng giống các bạn.

    Bởi vì, cuộc sống không bao giờ trở lại ở phía sau, và dĩ vãng sẽ mãi mãi là dĩ vãng”
    ———————————————
    Lĩnh ngộ được những điều này, bậc cha mẹ có thể sẽ nghĩ mình nhỏ đi, nhưng kì thực, họ trở nên vĩ đại trong tâm trí những đứa con.
    Cá nhân em nghĩ vậy…

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Cá nhân em nghĩ vậy…

      Anh em ta cùng nghĩ như vậy. Tuy nhiên, như bác Cua đã nói ở trên, bậc làm cha mẹ thật sự cảm thấy bất an khi con cái bước ra khỏi tầm quan sát của họ. Rồi em sẽ hiểu.

      Thích

      1. Tím

        Có bất an, có bất lực, nhưng nước chảy xuôi dòng. Mọi con người tất phải trải qua những giai đoạn, bước ngoặt trong đời, để lột xác, để trường thành hơn, để già đi và cũng để về với tổ tiên. Cha mẹ nào hiểu được quy trình đời người này, sẽ cởi bỏ được phần nào sự bất an trên. Sao lại không hiểu nhỉ! Ngày em trai rời gia đình đi du học, em đã thao thức nhiều đêm vì biết rằng, từ đây em ấy sẽ xa rời vòng tay gia đình, sự bảo ban của cha mẹ, anh chị để tự lực vươn lên trở thành một người trưởng thành và có ích cho xã hội. Nước mắt chảy ướt gối rồi cũng vậy thôi. Phải chấp nhận mọi lẽ tự nhiên như là tính tự nhiên vốn có của nó vậy. Vài dòng tâm sự với anh…

        Thích

  3. Quỳnh Trang Mai

    Đa số các gia đình hiện nay đều dạy con theo kiểu: các con phải! phải! phải! phải!….vì ngày xưa cha mẹ đã khổ! khổ! khổ! khổ!….ảnh hưởng của ngàn năm Bắc thuộc và xã hội phong kiến đương thời, tư tưởng nông thôn cùng với sự suy nghĩ ấu trĩ.
    “Các bạn là những chiếc cung để cho những mũi tên là con bạn tiến về phía trước.” Mẹ Pi và những bà Mẹ khác sẽ là những chiếc cung có đủ độ cong để cho những thiên thần bé nhỏ của mình bay cao và bay xa mãi.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Mình không nghĩ rằng các “con phải! phải! phải! phải!” như một sự vay trả về một thời “cha mẹ đã khổ! khổ! khổ! khổ!” mà như mình đã trao đổi trong một còm trên, bậc làm cha mẹ luôn có cảm giác không an tâm khi con cái vượt ra ngoài phạm vi kiểm soát của họ. Có con rồi mình mới ngộ ra được vì sao nhiều người bênh con bất kể lý lẽ. Ngay cả cái câu “con hát mẹ khen hay” bây giờ mình mới hiểu em ạ.

      Thích

  4. Minh Vương

    Tự ta, ta không có,
    Con đâu, tài sản đâu?
    Verily, he himself is not his own.
    Whence sons? Whence wealth?
    [Kinh Pháp Cú (DHAMMAPADA), Phẩm 5: Phẩm Ngu Si, Kệ Ngôn 66.]
    ====
    Mong sao mọi người đều có duyên đọc được bài. Cảm ơn bác.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Cảm ơn bác, ta đã không có thì những hệ quả của nó như “con tôi, tài sản tôi” cũng trở thành không. Hì hì, thật ra TP vẫn băn khoăn về “bản ngã” hay “cái tôi” không phải là hoàn toàn không thật có.

      Thích

    1. Trần Phan Post author

      Dịch củ chuối mà sát nghĩa và ngôn ngữ sáng sủa nhẻ
      >>> Người dịch nói dzậy mà hổng phải dzậy. Bác này nội công thâm hậu.

      nhưng Trần Phan có đủ can đảm để chấp nhận CON MÌNH KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH không
      >>> He he, nghĩa nào đây? Còn khuya thì bà ngoại bạn Linh Giang mới chơi được bố bạn Pi quả này nhé 😀

      Thích

      1. chauconcoc

        Re com 23 : 04.04.2012 lúc 00:20: ..”Trần Phan có đủ can đảm để chấp nhận CON MÌNH KHÔNG THUỘC VỀ MÌNH không ”
        —————————
        Khen 1 chút nhé : câu hỏi của NTLP quá hay ! câu hỏi này mà thi vấn đáp TP bốc được chắc botay.com. Có thể tham khảo 3 sự gợi ý :
        -Trăm năm trước thì ta chưa có, trăm năm sau biết có hay không ?Cuộc đời sắc sắc không không ?….(st) …hên xui thôi ! tùy duyên .
        -Mấy em chân dài miền Tây hay nói : thấy dzậy mà hổng phải dzậy đâu.
        -Cá nhà ai hổng biết, cứ zô ao nhà tui đẻ là của tui zậy hà.

        Thích

      2. Trần Phan Post author

        Khà khà, bác cứ tự nhiên khen nhưng phương pháp mà bác đá móc giò lái ở thành phố người ta bỏ lâu rồi. Hố hố, 03 gợi ý của bác lạc hậu như chị Dậu 😀

        Thích

  5. Hà Linh

    Hình ảnh cây cung cong và sự vững chải của bộ cung và mũi tên bay quá đẹp…mũi tên bay đi thế nào, xa bao lâu là cần ở sự vững chãi của bộ cung, và bộ cũng cần vững chãi để đủ sức phóng mũi tên đi xa mà không nao núng…
    chị chợt nghĩ về hình ảnh khi ta nheo nheo mắt, lòng phập phồng và hồi hộp chuẩn bị thả mũi tên…
    cảm ơn Trần Phan về entry rất tuyệt. Chúc em và Ti tận hưởng việc làm cha mẹ!

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Khà khà, đọc và liên tưởng với “hình ảnh khi ta nheo nheo mắt, lòng phập phồng và hồi hộp chuẩn bị thả mũi tên…” mà cảm nhận trọn vẹn sự hạnh phúc. Nào, cong thôi!

      Thích

      1. Hà Linh

        ừ thì cong!
        hôm rồi TC mới trải nghiệm chuyến đi bão táp đó chú Phan, đi học tiếng Anh, lúc đó trời mưa, gió nữa. thường thì chị dẫn đi khi có mưa, nhưng thôi anh ta 10 tuổi rồi phải rắn rỏi thêm, chị không dẫn anh ta đi, chỉ mặc áo mưa và dặn dò vài thứ thôi.
        Không ngờ hôm đó gió to, anh ta bị ngã mấy lần, nhưng vẫn đi đến nơi về đến chốn ..nói chung chị cũng xót chứ, nhưng mà dù sao thì những trải nghiệm vậy cũng cần thiết, con người ta sống trong đời không thể thoát được những mưa gió, bão giông cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cu cậu đi về kể lại và vui vẻ..
        Nói chung em ạ, làm cha mẹ cũng cần có bản lĩnh biết chấp nhận, biết ” nén đau thương thành hành động cách mạng”!. chị cũng k hoàn hảo, đầy rẫy sai lầm, nhưng chấp nhận thực tế về sự độc lập tương đối thì sẽ vui hơn.
        chúc em và Ti luôn vui và biết cách tận hưởng việc làm cha mẹ!

        Thích

      2. Trần Phan Post author

        Cảm ơn chị nhé, chị dùng từ “tận hưởng việc làm cha mẹ” nghe rất đã. Hì hì, chuyện chị kể, em cũng có cảm giác rằng trừ những lúc khóc nhè ra thì tên TC đã ý thức được tển là một người đàn ông gần với nghĩa thực thụ. Mơi mốt về chú Phan sẽ mượn và photo cho cuốn giáo trình tán gái nâng cao nữa là OK 😀

        Thích

      3. Hà Linh

        chú chậm chân mất rồi, từ khi cháu đi mẫu giáo, thư tình cháu nhận tá lả. mọi hôm hắn ngồi thống kê được mấy chục cuộc tỏ tình rùi chú à.
        bạn hắn đến nhưng chị bế bổng hắn lên, hắn cáu thầm:” mẹ, bỏ con xuống ngay, con đâu còn trẻ con”, chỉ bẩu:” thế con là người lớn à?”, hắn trả lời:” con là trẻ con mang những đặc điểm người nhớn!”.
        chị tin tưởng ở bố Pi và mẹ Ti chứ, thực ra nuôi dạy con cũng là một quá trình học em à, mình xác định một nguyên tắc nào đó( ví dụ sẽ chăm sóc con cẩn thận nhưng không biến thành o bế, kiềm tỏa con) rồi mình men theo lối đó mà đi, nhưng trong quá trình đi đó vẫn phải liên tục quan sát, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa..không ai hoàn hảo hết cả, nhưng cố làm sao đừng biến con mình thành một kẻ lệ thuộc và yếu hèn.

        Thích

  6. Small

    Em sẽ copy bài này, rồi in ra giấy và đưa về bố chồng em đọc. Đây là cách em tìm sự đồng cảm với bố chồng (ông nội cu Ben) về cách nuôi dạy con của chúng em, ông nội là một người tâm lý và hiểu biết. Em gửi đường link này đến chồng em đọc luôn. Bài này thật hay và đúng lắm anh ạ! em kiểm nghiệm lại từ bản thân, từ bậc bố mẹ của mình thì em thấy chính xác.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Mẹ thằng cu Ben cứ tự nhiên nhé. Anh cũng nghĩ là em sẽ thành công trong việc tìm kiếm tiếng nói chung từ các bậc phụ huynh [của em và của cả thằng cu Ben] 😀

      Thích

  7. Viễn Khánh

    Rồi lại tiếp nối, những mũi tên lại trở thành những cây cung cong mình cho đấng sáng tạo bắn đi những mũi tên mới. Những mũi tên mới và những cây cung mới… như một cuộc chạy tiếp sức trên đường đời dài bất tận…

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Đúng thế cô Út nhỉ, và “sự cong của các bạn trong tay Cung Thủ vĩ đại là vì một sự hoan ca”. Cây cung Viễn Khánh chắc đã được trao vào tay của vị Cung Thủ vĩ đại, chỉ chờ lắp mũi tên vào nữa là hoàn hảo.

      Thích

      1. Trần Phan Post author

        Chiện cung kiết phức tạp nhạ. Hay là cô Út sử dụng súng đi, bóp cò một cái phẻ re. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng 😀

        Thích

  8. Lan My

    Cám ơn anh Phan đã share cho em đọc bài viết này, bài viết rất hay ạ. Tự nhủ sẽ cố gắng là cây cung thật chắc, thật vững chãi để cong mình bắn những mũi tên đi thật xa.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Những mũi tên của cây cung Lan My đã sẵn sàng để lên đường trong cuộc hành trình bất tận. Chúc em cùng gia đình thật nhiều niềm vui nhé!

      Thích

  9. mien

    “Về những đứa con…” thật là rộng lớn.
    Có lẽ chúng ta, ai cũng đã từng suy nghĩ nhiều về con cái của mình.
    Và cũng đã có những áp đặt sai lầm cho con cái.
    Đề tài này giúp ta suy nghĩ lại các định hướng của mình!
    Khó lắm thay! Khó lắm thay!

    Thích

  10. danhsonhuuloc

    Em chưa có gia đình nhưng em củng cảm nhận được. Đôi khi các bậc làm cha mẹ thường hay mắc phải một lỗi là luôn muốn con mình theo ý mình. Lấy suy nghĩ U3.. đặt vào suy nghĩ của một đứa trẻ và bắt chúng phải cư xử như thế. Đọc rồi em cũng phải rút kinh nghiệm, cố gắng sau này làm một người bố tuyệt vời cỡ bố Phan được rồi hehe.

    Thích

      1. Hà Linh

        à nhân chỗ ni chị kể Trần Phan nghe: chú chị thuộc U 60 là giảng viên đại học ở VN sang nhà chị chơi, lúc đó CS 5 tuổi, TC 4 tuổi, 2 chị em gấp quần áo cho chị. chị để 2 chị em gấp và cảm ơn chúng làm việc tốt ( cho dù sau đó chị phải gấp lại một cách bí mật hihihi). nhưng chú chị ở tầng 2 xuống thấy thế thì:” ôi gấp thế không được, con phải gấp thế này này”-chú định dành lấy gấpvà trẻ con nhà chị phản ứng rất là mạnh. Rõ ràng không thể yêu cầu đứa trẻ 5 tuổi phải gấp quần áo đẹp đẽ như ông già 60.thay cho đánh giá đúng mực ý thức lao động thì tự nhiên mình chê và mình yêu cầu trẻ con làm như người lớn thì trẻ con sẽ bi tự ti và ngại làm.

        Thích

      2. Trần Phan Post author

        Khó trách ông chú về cách ứng xử chị ạ. Thói quen và cách nghĩ như thế đã chảy trong máu tự mấy nghìn năm nên việc nó bộc phát biểu hiện [ở bất kỳ đối tượng nào, kể cả giới trí thức] là điều tương đối dễ hiểu. Mọi sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi nhận thức cần phải từ từ và cần trong một thời gian dài. Hiểu một vấn đề là một lẽ và chấp nhận vấn đề đó lại là một lẽ khác. Em vẫn tin về hiệu quả của mưa dầm thấm đất hơn là sự đột biến.

        Thích

      3. Hà Linh

        hề hề hề chị có trách ông chú đâu, mà là chị kể ví dụ ( để cậu em ” rút kình nghiệm” đó chứ), thật ra mọi thứ đều phải học hỏi và có chiêm nghiệm khi mình “mắt thấy tai nghe” em ạ, chứ tự mình đâu có đột biến, phải có can đảm học hỏi và lọc những gì hay thật sự!
        hiểu thì có thể nhiều người hiểu hơn cả bài viết, nhưng nói như em, khi thực hiện là cả một vấn đề vì con người sống có cảm xúc, thói quen, rồi còn bị ảnh hưởng bởi xung quanh nữa nên từ hiểu đến chấp nhận rồi thực hiện là cách nhau mấy quãng dao đó em à!
        nhưng ý chị muốn nói là mình để ý rồi học và thực hiện sao cho hài hòa!

        Thích

      4. Small

        Chị HL: chị thật tâm lý và tinh tế. Em hiểu cách ứng xử của chị với những việc 2 đứa con đã làm được. Em sẽ áp dụng, hì hì.

        Thích

      5. Hà Linh

        Trần Phan: dù là có khoảng cách nhưng có học hỏi, có ý thức vẫn còn hơn không? cho dù khoảng cách là 100 m, không đi hết 100 m mà được 40m vẫn hơn là 0. chị nghĩ vậy.

        Thích

  11. Hà Linh

    thực ra thì chị nghĩ ở VN mình do những bất ổn cho nên cha mẹ thật khó mà thực hiện được những điều muốn thực hiện/có thể thực hiện như bọn chị em ạ. ví dụ CS có thể đi chơi với bạn đến thị trấn khác cách nhà chị 10 phút đi tàu với tấm bản đồ và một ít tiền chi tiêu trong ví vì ở Nhật trị an tốt hơn. nhưng chị nghĩ có thể áp dụng những gì nhà hiền triết kia nói vào những điều cụ thể và giản dị hơn, chị thấy ví dụ đơn giản thôi: bố mẹ, ông bà bật tivi lên xem lúc ăn cơm, mà đòi trẻ con một mực phải chú ý vào bát cơm mà ăn thì có phải là áp đặt và không tôn trọng cá nhân con không? trẻ con ăn đã đủ nhưng vì muốn con mập lên, vì sợ người ta chê con gầy( thực tế thì vì mẹ không muốn bị nghĩ là không biết nuôi con sao cho mập như con người ta) nên ép ăn con bằng được số lượng mẹ muốn…Tuy nhiên chị thấy một vài điều là ở mình cha mẹ o bế con lắm, con trở thành bố thành mẹ rồi mà cha mẹ vẫn muốn sắp đặt mọi thứ cho con theo ý mình, lo lắng thái quá sẽ làm con mất tự tin và sẽ ỷ lại vào cha mẹ, không nỗ lực vươn lên…

    bài viết trên vừa có sự ngọt ngào vừa là chua xót chút nào đó, bởi vì dường như cha mẹ tạo ra con cái, con từ bụng mẹ chui ra, cha mẹ chăm bẵm nuôi con lớn lên thì cha mẹ có quyền kiểm soát trọn vẹn con cái nhưng lại không thể, bởi con cũng là con người cũng có thế giới tâm hồn, những mơ ước riêng mà không cha mẹ nào có thể kiểm soát nổi, bởi vậy cha mẹ phải biết chấp nhận hạnh phúc vô biên của việc làm cha mẹ, nhưng cũng phải chấp nhận thực tế là không thể kiếm soát trọn vẹn, không thể biến con thành của mình 100%. Một ngày con đến với cha mẹ mang bao niềm vui, ý nghĩa cuộc đời cho cha mẹ, nhưng rồi cũng dần dần con cái có thế giới riêng của mình mà dù có lo lắng bao nhiêu thì cũng phải để con dần bước vào thế giới đó, bởi con người ai cũng sẽ đi vào quy luật đó. Yêu thương nhưng cũng phải biết giới hạn,biết chấp nhận, nếu làm được vậy thì cha mẹ sẽ vui mà con cũng sẽ vui, tự hai bên sẽ biết sống sao cho đẹp đẽ với nhau.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Dạ, em nghĩ việc này không thể có cái kiểu rũ bùn đứng dậy sáng lòa để có cách cư xử đúng mực như thế đươc. Phải tập tành một cách nghiêm túc và kiên trì chứ chẳng phải chuyện nói để chơi. Rõ ràng là Trần Phan rất có lợi thế khi có thể rút kinh nghiệm trực tiếp từ bà chị của mình 😀

      Thích

      1. Hà Linh

        như trên đã nói phải có trải nghiệm em à, nhìn thấy cách người khác làm thấy có hiệu quả, rồi từ mình thấy có khi bất hợp lý thì mình mới nhận ra:” à ra thế!”

        Thích

      2. Small

        Chị ơi, em sẽ cố gắng ứng xử như vậy, nhưng ko biết sẽ thế nào, như anh Phan nói “biết là sẽ rất khó những cũng phải tập tềnh ngay từ bây giờ thôi”.

        Thích

      3. Trần Phan Post author

        @ chị Hà Linh & Small:

        Đúng rồi, không biết sẽ ra sao nhưng cố là phải cố rồi. Hầy dà, bây giờ chúng chưa biết đi nhưng cứ nghĩ đến mơi mốt lớn lên chúng nó có gia đình riêng rồi suốt ngày tíu tít với nhau bỏ rơi ông già Trần Phan là thấy buồn buồn. He he 😀

        Thích

      4. Hà Linh

        Trần Phan: nếu trong suốt quá trình làm cha mẹ, mà mình vẫn luôn xác định sự độc lập tương đối thì đến từng giai đoạn khi con lớn và từng bước gia nhập xã hội( chưa nói đâu xa từ khi con vào mẫu giáo là con không ở bên mình 24/24 nữa rồi, rồi các bé vào tiểu học, trung học, đại học…) thì sẽ giảm thiểu đi nhiều cảm giác sợ mất mát nên cố bấu víu, cố kiểm soát..
        riêng ai chứ Trần Phan và Ti thì chị rất tin!

        Thích

      5. Trần Phan Post author

        Quan sát thấy nhiều bậc phụ huynh ta tỏ thái độ để con cháu lên đường khỏi lo lắng thế thôi chứ sau khi vẫy tay lại quay về với sự thút thít. Hầy dà, khó lắm 😀

        Thích

      6. Hà Linh

        thôi thì việc nào ra việc đó, thút thít thì cứ thút thít, nhưng đẩy lên đường thì vẫn phải đẩy…
        những đứa con sẽ hiểu lòng cha mẹ đó Trần Phan à.Yên tâm!

        Thích

  12. chinook

    Tôi có dịp đọc Le prophète của Khalil Gibran lần đầu vào cuối thập niên 60, sau đó có đọc bản dich tiếng Việt và qua Mỹ tôi có một bản tiếng Anh.

    Tôi đọc không biết bao lần và mỗi lần đều ngộ được những điều mới.

    Khalil Gibran viết nguyên bản bằng tiếng Anh , The Prophet được dịch ra nhiều ngôn ngữ. Nhiều người dịch tác phẩm này ra tiếng Việt , nhưng đây là một tác phẩm không dễ dịch. Những khái niệm tôn giáo và triết học Gibran đề cập quá xa lạ với văn hóa Đông phương nên để cảm nhận các Bạn thử đọc bằng tiếng Anh hay một ngôn ngữ phương Tây.

    Nguyễn Ước dich và viết nhiều, có post trên Dunglac.org.

    Tôi cố tìm có bản tiêng Việt của The Prophet (Nguyễn Ước dịch là Ngôn sứ)
    nhưng không thấy. Chỉ thấy một vài bài trong nguyendinhhuynh.blogspot.com.

    Xin chia sẻ với các Bạn

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Cảm ơn bác lại ghé chơi và chia sẻ. Gần như thành lệ, sự xuất hiện của bác ở đây đều mang đến những thông tin thú vị (ít nhất là với Phan mỗ còn với các cao nhân khác thì không dám) 😀

      Thích

      1. Hà Linh

        Nghĩ Trần Phan mắt chơm chớp nhìn lên, ngón tay chỉ vào lúm đồng tiền trên má, cười hở 6 cái răng là chị thấy hiền dịu nhất Quy Nhơn rùi!

        Thích

  13. chinook

    “Vị Cung thủ uốn cong các bạn bằng tất cả sức lực của mình để cho các mũi tên tiến nhanh và tầm của chúng được đi xa như có thể ”

    Cha mẹ ở Mỹ rất “chiều con”, không giống như nhiều nguòi nước ngoài lầm tưởng khi thoạt thấy cách cư xử trong đời sống hàng ngày.

    Họ lo lắng, chăm sóc và cung cấp cho con cái những cơ hội và yểm trợ hết sức để con cái phát hiện và phát triển những khả năng cá nhân. Cha mẹ thường phải chia phiên nhau đưa đón con đi học hay trinh diễn âm nhạc hoặc chơi thể thao.

    Sự yểm trợ và cũng là để theo dõi kiểm soát này giảm lần khi con cái lớn. Khi con cái vô Đại học thì giảm nhanh hơn và thuờng là còn rất ít khi con cái học xong Đại học.

    Thường thì cha mẹ giúp về tài chánh cho đến khi con học xong đại học và không can thiệp vào quyết định kết hôn và sự chọn lựa tôn giáo của con cái trửơng thành.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Cha mẹ ở Mỹ rất “chiều con”, không giống như nhiều nguòi nước ngoài lầm tưởng khi thoạt thấy cách cư xử trong đời sống hàng ngày.

      Trong nhiều người này có em. Nói thì có vẻ như đãi bôi nhưng đúng là những thông tin mà bác có được thông qua sự trải nghiệm của mình giúp cho em có cái nhìn sâu hơn về quan điểm nuôi dạy con của các liền anh liền chị Mỹ quốc. Thật ra “chiều con” nó gần như là một bản năng nhưng bằng cách nào đó để những mũi tên con cái ấy đi xa như có thể mới là điều đáng bàn. Nói thì rất dễ, thậm chí chỉ cần một câu là xong nhưng như em đã nói ở trong các trao đổi phía trên, KHÓ vô cùng. Và chính vì thế nên Vị Cung thủ, tuy quyền lực vô biên là vậy nhưng phải vất vả lắm mới uốn cong chúng ta bằng tất cả sức lực của mình để những mũi tên con cái lên đường trong cuộc hành trình vĩ đại…

      Thích

      1. Hà Linh

        À chuyện” chiều chuộng” như anh Chinook kể thì bên Nhật tụi chị cũng vậy Trần Phan. Trẻ con làm được cái gì thì phải tự làm, nhưng chuyện chăm sóc những chuyện như trên thì phải tham gia đầy đủ với các bé. Xem phim cùng các bé,đọc sách rùi tham gia các hoạt động ở trường cũng trẻ con và các phụ huynh khác…dẫn đi chơi, hoạt động ngoại khóa…vvv…cái đó thì phải sát sao rồi.
        Khi trẻ con chưa đi học thì phải tìm các playgroup, các hoạt động cộng đồng cho trẻ con mà tham gia, từ khi có con thì đi du lịch ở đâu là phải tìm nơi trẻ con thích chứ k phải là cha mẹ thích…

        Thích

      2. Trần Phan Post author

        Sau này Trần Phan trở thành người bố vĩ đại với danh hiệu nuôi con khỏe dạy vợ ngoan là có công của chị Hà Linh đấy nhé. Hay là chị Hà Linh viết sách đi. Sau này sẽ có rất nhiều người nghiên cứu và trở thành nhà Hà Linh học 😀

        Thích

      3. Hà Linh

        này, mới sáng sớm ra mà đã móc nhau ghê thế em?
        đó là chị kể những gì mắt thấy tai nghe thôi.
        điều kiện kinh tế xã hội bên này khác, bên ta khác
        hệ thống giáo dục của các bên lại càng khác.
        ví dụ ở VN em có muốn đi tham gia hoạt động ở trường với con cũng làm gì có.
        thôi chị dỗi đây, chẳng nói thêm nữa!

        Thích

      4. Hà Linh

        Thì thành phần gia đình bần nông mà em, chị thấy ngày xưa cha mẹ chị khai lý lịch vậy! chui từ gốc rạ chui ra, chân vẫn vàng màu phèn mà không tâm lý bần cố nông thì là chi chi!

        Tiếc là bên ni k bắt khai lý lịch là dân tộc gì với lại thành phần gì nên không được tự hào là những thành phần ưu tú, ngọn cờ đầu của cmvs rùi!

        Thích

      5. Trần Phan Post author

        Dà, lý lịch cứ là trong vắt như pha lê ấy nhỉ. Để em cho số điện thoại của Kan Naoto, bạn thân của em, để có gì chị liên lạc cho tiện 😀

        Thích

      6. Hà Linh

        Ôi chết thật em ạ, chết thật, ai lại quên mấy ngày không uống thuốc là sao em? Chắc sợ bé Pi cầm nhầm nên cất chỗ nào kín quá không tìm ra hay sao ? Cho dù có dòng chữ:” Không để trong tầm tay với của trẻ em” thì cũng cất chỗ nào dễ nhớ nhé em.
        Số là thế này em ạ, bạn Naoto Kan của em giờ không làm ở chung chỗ chị nữa!

        Thích

  14. chinook

    Tôi mới tim được Bản dich The Prophet của Nguyễn Ước, Xin gửi tặng TP và cả nhà

    art2all.net/tho/nguyenuoc/ngonsu.htm

    Thích

  15. congnam56@yahoo.com

    Chúc mong muốn làm bố tuyệt vời của thầy thành sự thật và chúc thầy mọi bề thịnh đạt: thể xác khỏe mạnh và tinh thần phấn chấn.

    Thích

  16. chinook

    Trần Phan :
    Sau này Trần Phan trở thành người bố vĩ đại với danh hiệu nuôi con khỏe dạy vợ ngoan là có công của chị Hà Linh đấy nhé. Hay là chị Hà Linh viết sách đi. Sau này sẽ có rất nhiều người nghiên cứu và trở thành nhà Hà Linh học

    —————————–
    Về Hôn nhân

    Lúc ấy Almitra lại cất tiếng nói, Và thưa thầy, Hôn nhân là gì?

    Và ông trả lời rằng:

    Các bạn được sinh ra cùng nhau và sẽ ở cùng nhau mãi mãi.

    Các bạn sẽ ở cùng nhau khi đôi cánh trắng của thần chết quạt tan tác ngày đời của mình.

    Đúng thế, các bạn sẽ ở cùng nhau cả trong ký ức im lặng của Thượng đế.

    Nhưng hãy để trong nơi các bạn đang ở cùng nhau có các khoảng cách.

    Và hãy để gió các tầng trời nhảy múa giữa các bạn.

    Hãy yêu nhau nhưng đừng biến tình yêu thành dây ràng buộc;

    Mà tình yêu nên là đại dương chuyển động giữa đôi bờ của hai linh hồn.

    Hãy rót đầy ly nhau nhưng đừng uống chung ly.

    Hãy cho nhau bánh nhưng đừng ăn chung chiếc bánh.

    Hãy cùng nhau mừng vui ca múa nhưng nên để mỗi kẻ một mình,

    Như dây đàn đứng riêng dù rung chung điệu nhạc.

    Hãy cho nhau trái tim nhưng đừng giao nhau cất giữ.

    Vì chỉ bàn tay của Cuộc đời mới có thể chứa đựng trái tim các bạn.

    Và hãy đứng cùng nhau nhưng đừng quá sát vào nhau:

    Vì các cột đền thờ đều đứng một mình,

    Và cây sồi với cây hạnh đào không lớn lên trong chiếc bóng của nhau.

    Thích

    1. Trần Phan Post author

      Cảm ơn bác Chinook, có quá nhiều điều đáng suy ngẫm dưới những lớp nghĩa trong từng câu chữ của Gibran. “Hãy cho nhau trái tim nhưng đừng giao nhau cất giữ”. Chà!

      Thích

      1. chinook

        Không sao đâu Giáo sư.

        ” Thế giới có triệu điều không hiểu\
        Càng hiểu không ra lúc cuối đời
        Chẳng sao khi đã nằm trong đất
        Đoc ở sao trời sẽ hiểu thôi ”
        Thơ Mai Thảo.

        Gibran cũng nói : Half of what I say is meaningless , but I say it so the other half may reach you

        Thích

      2. Trần Phan Post author

        Dạ, em cũng không có tham vọng là hiểu ngay những ý tứ sâu xa ấy. Nó sẽ thấm dần bác nhỉ. Cảm ơn bác đã ân cần và ưu ái với Trần Phan.

        Thích

Gửi phản hồi cho Trần Phan Hủy trả lời